Tại sao phải Chứng nhận Hợp Chuẩn - Hợp Quy vật liệu xây dựng

I. HỢP CHUẨN -HỢP QUY LÀ GÌ ? TẠI SAO CẦN PHẢI CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN – HỢP QUY

Xin chào tất cả các bạn. Các bạn đang thắc mắc Hợp Chuẩn - Hợp Quy là gì ? Và tại sao lại phải cần chứng nhận Hợp Chuẩn - Hợp Quy ?

Hôm nay mình và các bạn cùng tìm hiểu nhé :

Căn cứ pháp lý:

  • Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006;
  • Thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam gồm tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở :

Theo đó có hai loại giấy chứng nhận đó là chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (hợp chuẩn) chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật ( hợp quy)

1.Tiêu chuẩn là:Quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá các đối tượng trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng. Áp dụng cho sản phẩm nhóm 1 theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, đây là nhóm sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn : Là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp theo yêu cầu của khách hàng thì nó trở thành bắt buộc. Đối với đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, việc lựa chọn phương thức đánh giá nào là do tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn quyết định nhưng phải thích hợp với đối tượng chứng nhận để đảm bảo độ tin cậy của kết quả đánh giá;

1.1. Công bố hợp chuẩn: Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. (khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.

1.2. Nơi công bố hợp chuẩn: Các tổ chức cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp tỉnh; nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn. Dấu hợp chuẩn không bắt buộc.

2.Quy chuẩn kỹ thuật là ( Hợp Quy ) : quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn. Áp dụng cho sản phẩm nhóm 2 theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Đây là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

Chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật: là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện một cách bắt buộc. Phương thức đánh giá quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho từng đối tượng cụ thể được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

 2.1. Công bố hợp quy: là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. (khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động bắt buộc và đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

2.2. Nơi công bố hợp quy: Các tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại cơ quan chuyên ngành (các Sở chuyên ngành); nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Dấu hợp quy (CR) bắt buộc sử dụng trên sản phầm, hàng hóa đã được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

Có 8 phương thức đánh giá sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, đó là:

  • Phương thức 1: thử nghiệm mẫu điển hình;
  • Phương thức 2: thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường;
  • Phương thức 3: thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
  • Phương thức 4: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
  • Phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
  • Phương thức 6: đánh giá và giám sát hệ thống quản lý;
  • Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
  • Phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.

Đối với sản phẩm sản xuất trong nước việc đánh giá thông thường sử dụng phương thức 5, còn đối với sản phẩm nhập khẩu thì sử dụng phương thức 7. Đối với các sản phẩm nhập khẩu có số lượng nhiều, mỗi lần nhập khẩu lại tiến hành đánh giá gây tốn kém thì bên cạnh việc thử nghiệm, đánh giá theo lô sản phẩm, hàng hóa thì có thể thực hiện đánh giá tại nguồn ( tức là thành lập đoàn đánh giá sang nơi sản xuất để cấp giấy chứng nhận đăng ký tại nguồn).

Hồ sơ đăng ký công bố hợp chuẩn

Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn của tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

  • Bản công bố hợp chuẩn (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN);
  • Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư /Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ tương đương khác;
  • Bản sao hợp lệ tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp kèm theo mẫu dấu hợp chuẩn.

Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

Bản công bố hợp chuẩn;

  • Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư/ Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ tương đương khác;
  • Bản sao hợp lệ tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý;
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì nộp kèm bản sao Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực;
  • Báo cáo đánh giá hợp chuẩn (theo Mẫu 5. BCĐG quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) kèm theo bản sao Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy

Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

  • Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN);
  • Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng kí kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư /Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ tương đương khác);
  • Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp kèm theo mẫu dấu hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

  • Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN);
  • Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư /Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ tương đương khác);
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý;
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì nôp kèm bản sao giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực;
  • Bản sao Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký;
  • Báo cáo đánh giá hợp quy (theo Mẫu 5. BCĐG tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) kèm theo mẫu dấu hợp quy và các tài liệu có liên quan;

Lưu ý:  Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc báo cáo đánh giá hợp quy trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp quy là 03 năm kể từ ngày được cấp hoặc ngày ký xác nhận.

II. Tại sao phải thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm

Đối với doanh nghiệp: Thông qua hoạt động đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sẽ giúp các doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện và phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nhằm đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.

Việc chứng nhận hợp quy sẽ là tăng chất lượng sản phẩm luôn được ổn định và nâng cao giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu của quy chuẩn được sử dụng để đánh giá, chứng nhận. Vì vậy, doanh nghiệp không phải đối diện với những rủi ro do bị thu hồi sản phẩm không phù hợp với chất lượng sản phẩm theo quy định và phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy là một trong những văn bằng pháp lý làm nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với người tiêu dùng: Khi sử dụng những sản phẩm đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy giúp cho nhà nước thuận lợi trong việc quản lý các loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Những sản phẩm được chứng nhận sẽ có ưu thế cạnh tranh đối với những sản phẩm cùng loại khi chưa được chứng nhận, chính vì vậy mà hoạt động chứng nhận sản phẩm đã trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu cho nhà sản xuất. Chứng nhận sản phẩm cũng là một cách thức kiểm soát sản xuất, trên cơ sở đó sẽ giúp nhà sản xuất giữ ổn định chất lượng; cải tiến năng suất; giảm sự lãng phí và giảm tỉ lệ sản phẩm bị phế phẩm. Duy trì liên tục sự phù hợp của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường đã đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy; duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

 

Chia sẻ: